Ho là gì?
Ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Khi trẻ sơ sinh bị bệnh đường hô hấp, ho giúp đường hô hấp thông thoáng, tống xuất đờm, dịch mũi họng… ra ngoài. Có hai kiểu ho điển hình ở trẻ sơ sinh:
– Ho khan: Ho khan xảy ra khi trẻ bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Trẻ sơ sinh bị ho khan là do thanh quản bị viêm và phản ứng của khí quản dưới sự thay đổi của nhiệt độ về chiều tối và ban đêm, đôi khi kèm theo triệu chứng thở khò khè.
– Ho có đờm: Đây là biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trẻ sơ sinh bị ho có đờm nhầy có màu trắng hoặc xanh.
Tại sao trẻ sơ sinh bị ho?
Trẻ sơ sinh (dưới 4 tháng tuổi) thường ít bị ho. Do đó, việc bé cưng bị ho có thể là do các nguyên nhân sau:
– Trong nhà có người hút thuốc lá
– Môi trường sống xung quanh quá nhiều khói bụi ô nhiễm
– Thời tiết thay đổi
– Con bị bệnh: viêm phế quản, viêm phổi, dị ứng, ho gà…
– Bé bị sặc, hóc dị vật
– Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virus – RSV)
Nhiều trẻ bị ho thở khò khè là do đường hô hấp dưới của bé tăng tiết dịch nhầy để chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh hoặc dị vật nằm trong khí quản của bé.
Cách phòng tránh khi trẻ bị ho
– Mặc quần áo đủ ẩm, gang tay, tất chân, đội mũ, đắp chăn mỏng cho trẻ
– Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý
– Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày tránh mất nước và thông thoáng đường hô hấp
– Khi bật điều hòa cần lưu ý: không bật quá 2 – 3 tiếng/ lần, không để nhiệt độ dưới 26 độ C, không để trẻ nằm theo hướng gió điều hòa thổi trực tiếp
– Cần tắt điều hòa khoảng 10 – 15 phút trước khi bế trẻ ra ngoài tránh tình trạng sốc nhiệt
Những sai lầm cần tránh khi trị ho cho trẻ sơ sinh
– Cho trẻ sơ sinh uống thuốc kháng sinh, thuốc trị ho khi vừa chớm
bệnh: Việc tiếp xúc với vi khuẩn trong giai đoạn đầu rất có ích cho sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ. Do đó, khi trẻ vừa chớm bệnh, bố mẹ không nên “cuống cuồng” cho trẻ uống ngay thuốc kháng sinh, hãy để hệ miễn dịch của trẻ thực hiện vai trò của mình.
– Tự ý cho trẻ ngưng thuốc khi thấy triệu chứng ho thuyên giảm: Không những không trị dứt triệu chứng ho, việc ngưng sử dụng thuốc giữa chừng còn có thể khiến bệnh phát triển theo chiều hướng xấu hơn, thậm chí gây nhờn thuốc.
– Thực hiện chế độ dinh dưỡng quá kiêng khem: Khi trẻ sơ sinh bị ho, trẻ cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ nguồn sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống sự xâm nhập của các vi khuẩn có hại. Việc kiêng khem quá mức có thể khiến trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng, từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị ho đến bệnh viện?
Cha mẹ cần theo dõi và đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ sơ sinh bị ho kèm theo các biểu hiện sau:
– Trẻ nhỏ dưới 4 tháng tuổi bị ho
– Bé thở nhanh, thở khò khè
– Trẻ ho khan, ho có đờm kèm theo dấu hiệu cảm lạnh, sốt cao từ 38 độ C trở lên.
– Bé bị ho khan kèm theo dấu hiệu cảm lạnh kéo dài 5 – 7 ngày, không sốt.
– Ho đột ngột, kịch phát, kéo thành từng cơn.
– Da xanh tím tá
Trẻ sơ sinh còn rất nhỏ nên sức đề kháng kém, rất dễ mắc bệnh. Do đó, bạn cần tự trang bị kiến thức để không quá lo lắng mỗi khi con bị bệnh, không tự ý cho con uống thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của các bác sĩ.
Hãy quan sát kỹ những dấu hiệu của trẻ, nếu nhận thấy có bất thường, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Nếu không chắc chắn con bị ho là do đâu, bạn nên đưa con đến bác sĩ để được thăm khám, hướng dẫn chăm sóc hoặc điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin hữu ích về tình trạng ho ở trẻ sơ sinh. Mong rằng những chia sẻ của Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Bắc Hà sẽ giúp ích cho cha mẹ trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ và chăm sóc bé tốt nhất.
Mọi thông tin chi tiết vui lòng lên về đến Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Bắc Hà theo số Hotline 1900 8083 để được hỗ trợ kịp thời